“Sự tích Thầy Thím” lên sân khấu: Thành công ngay đêm công diễn đầu tiên
BT- Lần đầu tiên “Sự tích Thầy Thím” được giới thiệu đến khán giả thông qua nghệ thuật cải lương. Hàng ngàn khán giả không rời mắt theo dõi vở diễn từ đầu đến cuối; những tràng pháo tay cổ vũ liên tục vang lên cho thấy vở diễn đã giành được tình cảm của mọi người trong đêm ra mắt tại lễ hội văn hóa du lịch dinh Thầy Thím năm 2012.
Năm nay, kỷ niệm 15 năm dinh Thầy Thím được công nhận là di tích quốc gia, nên ban tổ chức quyết định cho dựng vở cải lương “Sự tích Thầy Thím” của soạn giả Thái Phụ nhằm tạo thêm nét mới mẻ cho lễ hội dinh Thầy Thím.
Hết lòng vì nghệ thuật
Trước đó, tác giả Thái Phụ cũng đã viết kịch bản ở dạng sân khấu hóa và Đoàn ca múa nhạc Biển Xanh đã dàn dựng biểu diễn vào năm 2007. So với hình thức sân khấu hóa, thì cải lương vượt trội hơn hẳn, bởi tính chất mùi mẩn, ngọt ngào của lời ca và nghệ thuật diễn xướng. Với khả năng và vốn hiểu biết sâu sắc của mình về câu chuyện Thầy Thím, soạn giả Thái Phụ đã nhanh chóng hoàn tất kịch bản. Ông cho biết, ngoài những gì có trong chuyện kể lâu nay, cũng cần hư cấu thêm vài tình tiết để tạo thêm tính hấp dẫn của câu chuyện phù hợp với vở diễn.
Tối 29/10, Ban tổ chức lễ hội phối hợp với Công ty Văn Hoa Việt công bố vở diễn này. Vở diễn do nghệ sĩ Trọng Sơn đạo diễn, với sự tham gia dàn dựng và diễn xuất của 4 nghệ sĩ nổi tiếng là: Tuấn Thanh (vai Thầy), Phượng Loan (vai Thím), Linh Trung (vai Hương kiểm), Tuấn Phương (vai Thương buôn)… cùng với nhiều diễn viên khác. Có thể nói, lâu nay người dân làng Tam Tân cũng như khách thập phương chỉ nghe câu chuyện về Thầy Thím qua truyền thuyết. Họ mường tượng Thầy Thím bằng suy nghĩ của riêng mình. Qua đây họ có dịp hình dung, hiểu hơn về tính cách và đức độ của Thầy Thím bằng hành động.
Nghệ thuật hóa chuyện xưa
Vở diễn khai màn với cảnh lính loa thông báo lệnh vua về án xử người đạo sĩ làng La Qua (Quảng Nam) đã phạm tội dùng phép thuật dời đình từ làng Bát Nhị về làng La Qua. Quan đến đọc án xử. Thầy bị phạt tội chết và được gia ân chọn một trong ba hình thức “Tam ban triều điển”: dao nhọn, hoặc uống độc dược, hoặc tự thắt cổ. Thầy quyết định chọn hình thức thứ ba và xin một dải lụa điều. Không gian biệt ly nức nở. Sau khi chia tay bà con dân làng, Thầy và Thím dùng phép thuật biến dải lụa điều thành rồng, đưa hai vợ chồng Thầy vào phương Nam. Làng Tam Tân là nơi dừng chân của vợ chồng đạo sĩ giàu lòng nhân ái. Lúc này, dân làng Tam Tân khốn khó tứ bề. Mùa màng thất bát, dịch bệnh tràn lan, thêm vào việc bị đám quan lại địa phương chèn ép. Động lòng trắc ẩn, vợ chồng Thầy Thím tìm cách giúp đỡ dân làng. Thầy đóng ghe cho dân làng đi biển, dạy dân làng trồng lúa trồng khoai, nhất là vợ chồng Thầy còn vào rừng sâu hái thuốc về chữa bệnh cho người dân nghèo. Thầy Thím trở thành ân nhân được mọi người ngưỡng mộ, tôn kính. Sau khi mất được vua xóa án tử năm xưa và sắc phong cho vợ chồng đạo sĩ là “Chí đức tiên sinh, chí đức nương nương tôn thần”.
Toàn bộ vở diễn có 6 cảnh và nhiều lớp phụ trong mỗi cảnh. Các nghệ sĩ đã thể hiện vai diễn của mình với tất cả cảm xúc. Qua nghệ sĩ Tuấn Thanh, người ta thấy được tấm lòng của một ông Thầy đức độ, luôn trăn trở trước nỗi cơ cực của dân làng. Cử chỉ, lời nói, hành động của vai diễn đã lột tả được điều đó. Trong khi đó, NSƯT Phượng Loan diễn rất đạt vai Thím. Khuôn mặt nhân hậu, cuộc sống đơn sơ, nhưng tâm hồn luôn trong sáng, hiểu được ý nguyện của chồng. Cảnh Thím không ngại gian nan vất vả, lặn lội cùng chồng vào rừng sâu tìm cây thuốc để lại ấn tượng mạnh mẽ. Giọng ca ngọt ngào của chị đã đưa nguồn rung cảm vào trong tâm hồn người xem. Có lẽ, không thể không nhắc đến vai Hương kiểm (nghệ sĩ Linh Trung), vai Thương buôn (nghệ sĩ Tuấn Phương), vai Tri huyện (nghệ sĩ Huỳnh Lập)… Tính cách của mỗi nhân vật độc đáo, không pha trộn na ná như nhau. Một Hương kiểm cà lăm tráo trở, một Tri huyện lạm quyền bị chi phối bởi đồng tiền, một thương buôn hám lợi tàn ác… Các nhân vật phản diện ấy tạo nên sự đối lập và làm sáng hơn hai nhân vật Thầy Thím đầy nghĩa hiệp.
Trước khi mời nghệ sĩ Tuấn Thanh, Công ty Văn Hoa Việt có mời 3, 4 nghệ sĩ thử sức, đến Tuấn Thanh mới thấy hợp. Anh chia sẻ: “Hơn ba mươi mấy năm trời đi diễn, chưa có nhân vật nào mình sợ như vai Thầy. Một vai diễn mới, mình chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng lắm. Trong quá trình tập, mấy em tham gia các vai phụ còn nhỏ và non nghề, nên rất gian nan. Lúc vở diễn kết thúc, hàng ngàn khán giả vỗ tay, lòng cảm thấy rất nhẹ nhõm”.
Cũng như Tuấn Thanh, NSƯT Phượng Loan cũng rất lạ lẫm với vở diễn này, bởi các nhân vật gói gọn trong một địa phương lâu nay ít được biết đến. Về nghiên cứu kịch bản Phượng Loan rất thích. Chị muốn nhận vai này là vì đức độ của Thím. Thím rất thương chồng, tận tuỵ vì chồng. Và Phượng Loan cũng cố gắng làm thế nào để thần thánh hóa hơn nhân vật Thím một chút cho hấp dẫn theo như truyền thuyết của làng Tam Tân. Khi nhận vai này, Phượng Loan phải bỏ một vai rất quan trọng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012. Chị cũng cho biết: “Phượng Loan với anh Tuấn Thanh, anh Linh Trung, anh Tuấn Phương chưa tập một vở nào mất nhiều thời gian như vở diễn này. Chỉ có 4 nghệ sĩ chuyên nghiệp. Còn tất cả các em là học viên. Sự phối hợp khá chông chênh. Nhưng rồi cũng đâu vào đó”.
Kết quả hơn mong đợi
Phụ trách công tác đạo diễn là nghệ sĩ Trọng Sơn. Theo anh, vở diễn này đúng là khó. Bởi trước tiên, qua lời kể, người Thầy trong tiềm thức của dân làng Tam Tân không rõ ràng lắm, hình tượng Thầy không cụ thể như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi hay Nguyễn Huệ… Quá trình đó đạo diễn phải tiếp cận với Ban quản lý, với dân làng Tam Tân, cũng như qua sách vở… Trên cơ sở từng mẫu chuyện nhập tâm, anh mới hiểu biết về các nhân vật. Cái khó thứ hai là tìm diễn viên cho phù hợp với nhân vật mà đạo diễn đang khắc hình tượng. Làm như thế để cho dân làng Tam Tân xem ra người ta thấy, vai diễn ông Thầy bà Thím là được, mường tượng ông Thầy bà Thím giống như trong tiềm thức của họ mới thực sự thành công. Mất 3 tháng trời đi tìm diễn viên. Trong lúc đó, phía Ban quản lý Dinh đặt vấn đề tìm các nghệ sĩ tên tuổi cụ thể. Nhưng đến khi mình đến gặp thì không phù hợp với hình tượng mình chuẩn bị dàn dựng cho nhân vật. Đổi đi đổi lại, cuối cùng gặp được Phượng Loan và Tuấn Thanh mới ổn. Nghệ sĩ Trọng Sơn nói: “Anh Tuấn Thanh, chị Phượng Loan rất tâm huyết với vai diễn. Trong quá trình dàn dựng, cùng với Tuấn Thanh và Phượng Loan, nghệ sĩ Linh Trung, và Tuấn Phương giúp cho việc dàn dựng vở diễn thuận lợi rất nhiều. Mọi người làm việc hết sức cật lực. Qua một lần trao đổi cái gì được, cái gì không được là điều chỉnh ngay. Tất cả đều làm việc bằng cái tâm chân thành”.
Và kết quả là câu chuyện đức độ của Thầy Thím lần đầu tiên được tái hiện, đến với công chúng, qua nghệ thuật sân khấu cải lương. Vượt qua những bỡ ngỡ và khó khăn bước đầu, vở diễn đã khép lại với những thành công ngoài mong đợi. Ông Trịnh Văn Thái – Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã La Gi cho biết: “Tới đây có thể sẽ dựng lại vở này, quay hình lại để làm thành DVD quảng bá rộng rãi đến công chúng”.
NGUYỄN VUI