Tiềm năng du lịch trong lễ hội dân gian
Lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, xuất phát từ nhu cầu tâm linh chính đáng của con người và đã có một quá trình thích nghi với đời sống của mỗi cộng đồng. Qua lễ hội, con người có dịp thăng hoa những giá trị đời sống nội tâm, có điều kiện hòa nhập vào không khí chung; giúp con người được trở về quê cũ thể hiện đức tin, lòng thành kính đối với tổ tiên, đối với tiền nhân. Mỗi một dân tộc, mỗi một tôn giáo dù biểu hiện khác nhau nhưng đều có mục tiêu chung là sự hướng thiện và từ đó tạo nên niềm vui chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, lễ hội dân gian đã trở thành một loại hình du lịch phát triển mạnh của mỗi địa phương và ngày càng có sức hấp dẫn đối với du khách mọi nơi. Từ năm 2005 đến nay, Bình Thuận đã chọn 07 lễ hội Văn hóa tiêu biểu phát triển Du lịch: Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty, lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn, lễ hội Nghinh Ông của người Hoa, lễ hội Cầu ngư của ngư dân các vạn chài Phan Thiết, lễ hội Ramưwan của người Chăm theo đạo Hồi, lễ hội Trung thu và lễ hội dinh Thầy Thím. Các lễ hội này đều dựa trên nguyên tắc bảo tồn giá trị truyền thống, loại bỏ dần yếu tố lạc hậu, khai thác tiềm năng của lễ hội để phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ được giá trị chân thực của lễ hội, không sáng tạo theo cảm tính và can thiệp vào phần lễ, vốn được coi là cốt lõi của lễ hội. Cùng với sự phát triển của xã hội, các hình thức, nội dung tổ chức phần hội cũng không ngừng đổi mới để theo kịp xu hướng thời đại nhưng vẫn không làm mất đi nét đẹp văn hóa vốn có của mỗi cộng đồng dân tộc và mỗi loại hình lễ hội.
Bình Thuận có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch lễ hội dân gian và muốn đưa lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, để khai thác được tiềm năng vốn có, những năm tiếp theo tỉnh ta cần chú trọng những nội dung như sau:
1. Lễ hội dân gian có thể trở thành một “thương hiệu”
Đặc trưng của mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, gắn bó với vùng đất như một món ăn không thể thiếu trong đời sống cộng đồng làng xã. Do đó, mỗi lễ hội lại gắn bó với những tập quán, nghi lễ, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực rất riêng. Lễ hội dân gian không chỉ mang bản sắc văn hóa dân tộc sâu sắc của từng vùng miền mà còn lưu giữ được nhiều nội dung cổ xưa có giá trị đạo đức, thẩm mỹ và thông qua đó có thể thấy được tiềm năng kinh tế, văn hóa của địa phương. Chính những đặc trưng ấy cần được tận dụng để đưa mỗi lễ hội dân gian trở thành một “thương hiệu” cho một vùng đất, một địa danh để mỗi khi nhắc tới một lễ hội, du khách có thể hình dung và nhớ ngay tới vùng đất hay địa danh đó đã khai sinh ra lễ hội. Lễ hội dinh Thầy Thím thị xã LaGi (tháng 9 Âm lịch); lễ hội Trung thu (tháng 8 Âm lịch); lễ hội Nghinh Ông Quan thánh Đế quân (tháng 7 Âm lịch); lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty (mùng 2 Tết Âm lịch) đã thành công trong việc thu hút du khách mọi nơi về hành hương, về tham quan, về tìm hiểu … qua các lần tổ chức là một minh chứng sống động của cách thức khai thác tiềm năng, cách gắn kết lễ hội với du lịch trong những năm qua, bước đầu Bình Thuận có thể trở thành một “thương hiệu”. Thương hiệu du lịch Bình Thuận ngày càng được nâng tầm qua mỗi lần tổ chức lễ hội, mùa lễ hội chính là thời điểm lý tưởng để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Bình Thuận ngày một nhiều hơn.
2. Quan tâm đến việc đầu tư:
Lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc là một tài sản quý giá không chỉ riêng cho du lịch mà cả các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hiện tại, Bình Thuận đang thừa hưởng một số lễ hội đặc sắc, riêng có nhưng lại đang thiếu một chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp. Trước mắt, cần có một chiến lược hợp lý trong việc đầu tư cho các lễ hội. Đầu tư có chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng, sau đó xây dựng thành sản phẩm “chính” và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp. Biết duy trì, nuôi dưỡng và phát huy tốt như lễ hội dinh Thầy Thím đã giúp địa phương có nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, cảnh quan di tích, chương trình, kịch bản … hoạt động lễ hội đã mang lại những hiệu quả khá thiết thực nhằm bảo tồn và phát triển lễ hội ngày một tốt hơn.
Ngoài dấu ấn văn hoá thông qua các hoạt động lễ hội thì dấu ấn về những sản phẩm đặc trưng tại các lễ hội còn khiêm tốn. Sản phẩm du lịch được hiểu là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi tham quan, thưởng ngoạn. Từ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi, tìm hiểu đến mua sắm… du khách cần gì thì ở địa phương tổ chức phải đáp ứng được thì mới có thể lôi kéo được họ. Số lượng lớn du khách tham quan lễ hội đều có chung một suy nghĩ “Đi hội ngoài những việc tâm linh, họ rất muốn mua một sản phẩm độc đáo, riêng có của địa phương để làm kỷ niệm, tặng cho người thân, gia đình hoặc bạn bè”. Sản phẩm địa phương chưa phong phú, trong khi đó tiềm năng phát triển du lịch thông qua các lễ hội là không nhỏ. Bất cứ một sản phẩm du lịch có giá trị nào cũng mang tính văn hóa, song không phải giá trị văn hóa nào cũng có thể trở thành sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch ưu tiên của Bình Thuận là “biển” và định hướng của tỉnh nhà trong những năm qua là rất cụ thể. Hiện tại, cần quan tâm đầu tư trọng điểm, kết hợp phát triển du lịch biển với lễ hội dân gian theo hướng chuyên nghiệp hóa; tích cực tìm chọn các nhà đầu tư trong tỉnh và kêu gọi các nhà đầu tư ngoài tỉnh có thể mở rộng ra khỏi phạm quốc gia để khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bình Thuận.
3. Tìm chọn hướng đi mới trong lễ hội dân gian
Du lịch gắn liền với lễ hội là một cách khai thác hiệu quả những lợi thế vốn có của địa phương. Tuy nhiên, làm như thế nào và mức độ ra sao thì rất cần sự cân nhắc và định hướng đúng đắn. Cần chú ý đến con người tổ chức lễ hội phải “đảm nhận” cả vai trò tổ chức sự kiện, không chỉ làm việc đơn lẽ với lễ hội ở phạm vi văn hóa dân gian. Thực tế cho thấy, có những lễ hội dân gian tự nó diễn ra theo trình tự, đúng nghi thức đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ mà không cần sự can thiệp hay tác động của những công ty chuyên tổ chức sự kiện nhưng nó vẫn tồn tại trong lịch sử và làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mỗi cộng đồng dân tộc, các lễ hội này (chủ yếu tập trung ở nghi lễ là chính) chiếm tỉ lệ không nhỏ và thường diễn ra ở cấp làng, xã. Một số lễ hội khác như lễ hội Cầu Ngư các vạn chài, lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn cần phải nâng cao giá trị văn hóa vốn có trong mỗi nghi lễ, tìm chọn phương pháp tổ chức thích hợp, thiết kế mô hình hoạt động “hội” sinh động tạo yếu tố bất ngờ đến du khách tham quan, đặc biệt là mở rộng phạm vi và sức lan tỏa vượt ra khỏi cộng đồng, muốn vậy phải có sự quảng bá và tô điểm thêm vào đó những màu sắc mới để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tổ chức lễ hội để lại ấn tượng, hiệu quả không chỉ bảo tồn được những giá trị văn hóa dân tộc, mang lại thu nhập cho nhân dân địa phương mà còn giới thiệu những giá trị văn hóa của vùng đất và con người Bình Thuận ra bên ngoài một cách chân thật, góp phần phát triển bền vững du lịch Việt Nam.
Duy trì các lễ hội với tinh thần bảo tồn những nét đẹp của văn hoá truyền thống, tiếp thu những cái hay, cái độc đáo và định hướng giúp cho người dân giữ gìn nâng cao chất lượng lễ hội để phục vụ nhu cầu tinh thần và thu hút khách du lịch. Nhìn lại bức tranh toàn cảnh qua 7 năm hoạt động lễ hội kể từ năm 2005 đến nay, các lễ hội Văn hóa tiêu biểu phát triển Du lịch ở Bình Thuận đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, du khách và các tổ chức quốc tế. Tiềm năng du lịch trong lễ hội dân gian ở địa phương bước đầu đã được khai thác, phát huy và sẽ được hình thành ở nhiều nội dung khác nhau trong thời gian tới. Bình Thuận tiếp tục tìm chọn những hướng đi mới để trở thành một địa chỉ thân thiện, gần gũi với du khách mọi nơi./.
Bài và ảnh : Đặng Hưng