Trang hiện tại : Trang chủ Hội Tam Quý HỘI TAM QUÝ

HỘI TAM QUÝ

                 Khi nói đến sự hình thành và phát triển của Di tích lịch sử – văn hoá Dinh Thầy Thím, chúng ta không thể không nói đến Hội Tam Quý. Đây là một tổ chức gắn liền với Dinh Thầy Thím gần 130 năm kể từ khi Dinh được thành lập đến hôm nay.

Hội Tam Quý là tiền thân của Hội Dinh Thầy Thím ngày nay. Hội Tam Quý được dân làng Tam Tân thành lập. (Chữ Tam Quý là tên hợp nhất của ba làng: Tân Ngươn, Tân Quý và Tân Hoàng – nay là thôn Hiệp Tín, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận).

Mục đích của Hội Tam Quý là:
                    Hoạt động nhân đạo, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, noi gương và vinh danh Thầy Thím. Đồng thời, duy trì, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Và, hơn hết là phát huy lòng ngưỡng mộ, tôn kính Thầy Thím, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của khu Di tích Thầy Thím.

Bộ máy tổ chức của Hội Tam Quý rất chặt chẽ và khoa học. Hội viên là những công dân từ 18 đến 60 tuổi, không phân biệt nam, nữ, giàu, nghèo, am hiểu và tán thành Điều lệ Hội, có lòng ngưỡng mộ công đức Thầy Thím, có đạo đức tác phong tốt, tự nguyện tham gia và đều được xét kết nạp vào Hội.

Tổ chức của Hội Tam Quý trước đây nay là Hội Dinh Thầy Thím được cơ cấu như sau: Hội viên, các tổ chức Chi hội, Ban quản lý. Trong Ban quản lý còn có các Tiểu ban chuyên trách công việc: Tế lễ, từ thiện, tài chính, hậu cần, kiểm tra. Qua các thời kỳ, tên gọi của tổ chức có khác nhau như: Hội Tam Quý, Hội Dinh Thầy Thím, Ban Trị sự, Ban quản lý. Nhưng mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ chính vẫn giống nhau.

Nhiệm kỳ của Ban quản lý là 05 năm (trước đây là 02 năm). Ban quản lý được Đại hội đại biểu Hội viên bầu theo hình thức phổ thông, bầu phiếu kín và được cấp chính quyền ra quyết định công nhận. Số lượng thành viên Ban quản lý do tập thể Đại hội Hội viên quyết định tùy từng nhiệm kỳ. Nhiệm vụ của Ban quản lý là lãnh đạo Hội viên, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội viên, xây dựng phát triển Hội, bảo tồn, phát triển khu Di tích Dinh Thầy Thím, chịu sự lãnh đạo của chính quyền và giữ mối quan hệ với các cấp và các cơ quan đơn vị hữu quan. Ban quản lý gồm có 01 Trưởng ban, 01 Phó ban và các thành viên.

Dưới Ban quản lý, có tổ chức các Chi hội. Dựa vào tình hình, đặc điểm của từng địa phương và số lượng Hội viên thì hình thành tổ chức Chi hội. Ban Chi Hội gồm có 03 thành viên (có 01 Chi hội Trưởng, Chi hội Phó và Thư ký). Các Ban Chi hội do Hội viên tại Chi hội trực tiếp bầu ra. Đến hôm nay (2007), Hội Dinh có 07 Chi hội với gần 300 hội viên.

Ban quản lý cũng như các tổ chức Chi hội có nhiệm vụ hướng dẫn, sinh hoạt hội viên, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, vận động Hội viên noi gương Thầy Thím, phát huy lòng nhân ái, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, và xây dựng phát triển Hội, bảo tồn, phát triển di tích Dinh Thầy.

Nguồn thu, nguồn tài chính được quản lý chặt chẽ, công khai, dân chủ. Tất cả các khoản thu, chi đều được công khai và sử dụng một cách hợp lý, đúng mục đích. Cùng với việc tu sửa, nâng cấp mở rộng di tích Dinh Thầy, nguồn kinh phí của Dinh còn phục vụ cho công tác từ thiện, đóng góp xây dựng quỹ xoá đói giảm nghèo, xây dựng quỹ an ninh quốc phòng, giúp học sinh nghèo hiếu học, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, tu sửa Trường học, Bệnh xá và giúp đỡ người nghèo khổ, đồng bào bị thiên tai…

Đến hôm nay, khu di tích Dinh Thầy Thím trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận, trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Di tích Thầy Thím được công nhận di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia. Hàng năm, Lễ hội Dinh Thầy Thím trở thành một trong năm lễ hội văn hoá – du lịch của tỉnh Bình Thuận. Và, là một trong những lễ hội lớn ở phía Nam đất nước.

Có được như thế là nhờ sự đóng góp của khách thập phương, của những tấm lòng hướng về lối sống đạo đức tốt đẹp, lòng tôn kính, tin tưởng vào sự linh thiêng của Thầy Thím.

Nhưng, trước hết, phải nói đến trí tuệ, tình cảm, công sức của tập thể hội viên Dinh Thầy, mà linh hồn là sự chỉ đạo, quản lý, đóng góp của những người trong Ban quản lý (Hội chức), những người trong tổ chức các Chi hội. Gần 130 năm – dòng chảy thời gian dài, thật dài. Qua những biến thiên của lịch sử, ảnh hưởng của chiến tranh. Sự lưu trữ hồ sơ, văn bản không đầy đủ. Có người còn sống, có người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nhớ, nhớ – quên, quên… không đầy đủ… khi nói về những người có công xây dựng Dinh Thầy. Chuyện người thật, việc thật, nhưng sao khi nghe kể, tưởng chừng như chuyện cổ tích. Trong tập sách này, chúng tôi cũng không thể nào nêu một cách đầy đủ tên, tuổi của những người đã đóng góp trí tuệ, công sức vào công cuộc chấn hưng di tích Thầy Thím, một di tích văn hoá – lịch sử. Thật là thiếu sót biết bao !...